Bài 98: Niềm trông đợi Đấng Me-si-a thời Đức Giêsu | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
TGPSG -- Trong Chúa nhật III Mùa Vọng năm C, Tin Mừng Lu-ca kể rằng : “Hồi đó, dân chúng đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a !” (Lc 3,15). Điều này cho thấy dân chúng thời Đức Giê-su đang mong chờ vị cứu tinh và họ phân vân rằng phải chăng Người đã đến.
Mê-si-a là danh từ phiên âm từ tiếng Híp-ri ma-shi-ach, “מָשִׁיחַ”, có nghĩa là Đấng “được xức dầu”. Từ này dịch sang tiếng Hy-lạp là “Christos”, và được phiên âm qua tiếng Việt là “Ki-tô”. Niềm trông đợi Đấng Mê-si-a hay Đấng Ki-tô bắt nguồn bởi “lời hứa từ ngàn xưa” của Thiên Chúa đã được loan báo và trở nên niềm hy vọng cho dân Chúa trong suốt dòng lịch sử Ít-ra-en.
Trong bài chia sẻ hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu xem niềm mong đợi Đấng Mê-si-a đã được các loan báo thế nào và người Do-thái đã mong đợi Đấng Mê-si-a ra sao.
1. Loan báo niềm hy vọng về Đấng Mê-si-a.
Cựu Ước dùng hạn từ “Mê-si-a” để chỉ về ba nhân vật khác nhau với tư cách là những thủ lãnh của dân. Họ được xức dầu thánh hiến để nhận lấy một sứ mạng đặc biệt là làm tư tế (x. Lv 4,3.5.16), làm vua (x. 1 Sm 10,1 ; 16,13 ; Tv 18,51), và làm ngôn sứ (x. 1 V 19,16).
Niềm hy vọng về Đấng Mê-si-a với tư cách là một vị vua, vị “cứu tinh quyền thế” thuộc hoàng tộc Đa-vít (x. Lc 1,69 ; Mt 21,9-11) được khởi đi từ lời Thiên Chúa hứa về vương quyền nhà Đa-vít qua ngôn sứ Na-than : “Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời” (2 Sm 7,16).
Qua các biến cố thăng trầm trong lịch sử Ít-ra-en, các ngôn sứ không ngừng nhắc nhở dân Chúa rằng Thiên Chúa trung thành và không bao giờ quên lời Người đã hứa. Vì thế, họ hãy vững tin vì ơn cứu độ đang tới (x. Is 62,11-12). Đức Vua là Đấng Mê-si-a thuộc dòng dõi Đa-vít, sẽ lên nắm vương quyền và thống lãnh Ít-ra-en, Người sẽ phục hồi và tái thiết Giê-ru-sa-lem. Vị vua được mong đợi sẽ là người khôn ngoan tài giỏi, thực thi điều chính trực công minh, nhờ đó Ít-ra-en được sống yên hàn (x. Gr 23,5-6). “Danh hiệu của Người là Cố Vấn Ký Diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình” (Is 9,5). “Triều đại Người, đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” (Tv 72,7).
Nền hòa bình viên mãn do Đấng Mê-si-a thiết lập không chỉ dành riêng cho nhà Ít-ra-en, nhưng còn mở ra cho muôn dân nước (x. Is 2,4 ; Mk 4,3-4). Các ngôn sứ loan báo rằng Người sẽ là vị mục tử nhân lành (x. Ed 34,15.23), là Vua Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, Đấng ấy sẽ công bố hòa bình cho muôn dân và sẽ thống trị đến tận cùng cõi đất (x. Dcr 9,9-10).
Sách Đa-ni-en mô tả viễn ảnh về Đấng Mê-si-a rằng : một “vị thủ lãnh được xức dầu” sẽ xuất hiện, những kẻ cai trị khét tiếng đàn áp, bạo tàn của các vương quốc trần gian được ví như những “con thú” sẽ bị tước hết mọi quyền thống trị, và vương vị sẽ được trao lại cho “Con Người” đến từ trời cao (x. Đn 7,17-18). Đấng Mê-si-a sẽ nắm trọn vương quyền, Người sẽ là vị thủ lãnh hòa bình và đứng đầu mọi vương đế trần gian : “Muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một ; vương quốc của Người sẽ chẳng hề suy vong” (Đn 7,13-14).
2. “Số còn sót lại” của niềm hy vọng Mê-si-a
Nhiều ngôn sứ dùng kiểu nói số còn sót lại (שְׁאֵרִ֥ית šǝᵓērîṯ) để chỉ những người yêu chuộng điều lành, khao khát công lý và kiếm tìm Thiên Chúa và trung tín với Người. Họ là những người nghèo (עֲנָוִ֗ים anāwîm) của Đức Chúa, những người bé mọn, khiêm hạ, đau khổ, hiền lành (x. Xp 2,3 ; 3,11-13). Họ là những người nghèo trong tinh thần, họ một lòng trông cậy vào lời Chúa hứa bất chấp mọi biến động của thời cuộc. Họ tin tưởng lời Chúa hứa sẽ được thực hiện. Tựa như “người canh thức thâu đêm”, họ chờ mong niềm an ủi của Ít-ra-en vì biết rằng “Đức Chúa sẽ ủi an dân Người đã chọn, và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người” (Is 49,13).
Để thực hiện lời hứa về Đấng Mê-si-a, các ngôn sứ cho thấy Thiên Chúa chuẩn bị từ trong dân Chúa một “số còn sót lại” : “Từ Giê-ru-sa-lem, sẽ nảy sinh số còn sót lại” (Is 37,32), “Trong ngày ấy, Đức Chúa các đạo binh sẽ nên vương miện trang điểm và vòng hoa diễm lệ cho số còn sót lại của dân Người” (Is 28,5).
Ngôn sứ A-mốt cho thấy có một “số còn sót lại” sau khi Sa-ma-ri rơi vào tay quân Át-sua và bị đồng hóa giữa chư dân vào năm 721 tCN (x. Am 5,15). Cũng vậy, ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói về một “số còn sót lại” giữa cảnh lưu đày Ba-by-lon sau khi Giê-su-sa-lem sụp đổ vào năm 587 tCN (x. Gr 24,5). Ngôn sứ Da-ca-ri-a cho biết, sau cuộc lưu đày Ba-by-lon, “số dân còn sót lại” sẽ hồi hương về Đất Hứa (x. Dcr 8,6.11.12). Ngôn sứ Mi-kha thì loan báo rằng “số còn sót lại” sau các biến cố đau thương này sẽ được Thiên Chúa quy tụ về Giê-ru-sa-lem từ khắp muôn dân nước. Đây là một dân nghèo hèn bé nhỏ, nhưng lại là niềm hy vọng của Ít-ra-en :
Chính Đức Chúa sẽ quy tụ số sót về Xi-on từ khắp xứ : “Chiên nào què, Ta sẽ quy tụ lại, chiên nào đi lạc xa hay bị Ta giáng hoạ, Ta sẽ tập hợp về. Ta sẽ dùng chiên què làm số sót, biến chiên đi lạc thành dân tộc hùng cường. Đức Chúa sẽ cai trị chúng tại núi Xi-on từ nay đến muôn đời muôn thuở” (Mk 4,6-7).
Đức Chúa ban phúc cho số còn sót lại này : “Ta sẽ ban cho chúng một tâm hồn để nhận biết rằng chính Ta là Đức Chúa. Chúng sẽ là dân của Ta, còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng ; bởi vì chúng sẽ hết lòng trở về với Ta” (Gr 24,7).
3. Niềm trông đợi Đấng Mê-si-a thời Đức Giê-su
Vào thế kỷ thứ I, thời đế quốc Rô-ma cai trị, những tài liệu của sử gia Giô-sếp Fla-vi-ô cũng như các bản văn Tin Mừng đều cho thấy có sự khác biệt về thái độ chính trị đối với Rô-ma giữa các nhóm giáo phái như Pha-ri-sêu, Xa-đốc và Ét-xê-nô (x. Do-thái cổ đại, 13.171-3), đồng thời giữa các nhóm này cũng có những khác biệt trong lối hiểu, giải thích và thi hành Luật Mô-sê (x. Mc 12,18-27 ; Cv 23,6-10 ; Ga 7,40-42). Nhưng nhìn chung, họ đều có khuynh hướng chống Rô-ma.
Trong bối cảnh đó, có nhiều người xưng mình là “Mê-si-a” hay là “ngôn sứ” để thuyết phục dân chúng tin theo nhằm chống lại Rô-ma. Sử gia Giô-sếp Fla-vi-ô gọi họ là Nhóm Nhiệt Thành, nhóm này bị Rô-ma cáo buộc là những tên gian phi đã xúi giục dân chúng nổi loạn, phá hoại nền hòa bình, và hậu quả là rất nhiều người theo họ đã bị Rô-ma xử khổ hình (x. Chiến tranh Do-thái, 2.258-60 ; Do-thái cổ đại, 20.169-71). Hai nhân vật được sách Công Vụ nhắc đến là Thêu-đa và Giu-đa (x. Cv 5,36-37) là một ví dụ cho thấy phong trào chống Rô-ma của Nhóm Nhiệt Thành đã bị thất bại (x. Mt 24,5 ; Mc 13,21). Giới lãnh đạo Do-thái đã muốn liệt Đức Giê-su vào hàng phạm pháp như một thủ lãnh của Nhóm Nhiệt Thành khi nói rằng : “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa” (Lc 23,2).
Trong số những người theo Đức Giê-su cũng có kẻ đã từng kỳ vọng Người sẽ là vị thủ lãnh khôi phục vương quốc Ít-ra-en (x. Cv 1,6 ; Mt 20,21), hoặc kỳ vọng Người sẽ là vị tân vương của một triều đại đáng chúc tụng và mong chờ (x. Mc 11,10 ; Mt 21,9 ; Ga 6,15).
Trong bối cảnh chính trị này, ông Gio-an Tẩy giả cũng như Đức Giê-su lại kêu gọi người ta phải thay đổi não trạng, hoán cải nội tâm (metanoia), phải sinh hoa quả xứng với lòng sám hối để được cứu và thoát khỏi thảm họa tận diệt đang đe dọa (x. Lc 3,3 ; 13,1-3). Gio-an Tẩy giả, với tư cách là một ngôn sứ, đã vạch trần tội bất trung với Lề Luật của nhiều người và mời gọi họ hoán cải, thay đổi tâm tưởng và lối sống cũng như cung cách đối xử với tha nhân để sẵn sàng đón nhận Tin Mừng của Đấng Mê-si-a đang đến. Thời của Đấng Mê-si-a sẽ là thời kỳ của chữa lành và hồi phục : “Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Lc 7,22 ; Mt 11,5 // Is 61,1-2).
Tác giả Lu-ca cho ta thấy chỉ có những người nghèo của Đức Chúa mới mong đợi Đấng Mê-si-a cách đích thực. Họ là những người âm thầm, khiêm tốn, đầy lòng tin và đang trông mong lời Thiên Chúa hứa sẽ được thực hiện. Chẳng hạn như tư tế Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét được Kinh Thánh mô tả là “người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi điều răn và mệnh lệnh của Người” (Lc 1,5-6). Đó là trinh nữ Ma-ri-a, “người thiếu nữ Xi-on” giữa cộng đoàn những người khiêm nhu đang trông ngóng vị cứu tinh (x. Lc 1,28). Họ còn là nữ ngôn sứ An-na đã “không rời đền thờ, những ăn chay cầu nguyện sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2,37), và ông Si-mê-on công chính và sùng đạo, đang mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Mê-si-a của Đức Chúa (x. Lc 2,25). “Ngày ấy” của Đấng Mê-si-a mà các ngôn sứ loan báo đã trở thành ngày “hôm nay”. Sự chờ đợi của ông Si-mê-on đã được mãn nguyện khi ông được bế Hài Nhi Giê-su trên tay mà chúc tụng Chúa và thưa lên rằng : “Chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en dân Ngài” (Lc 2,30-32).
Đó là những người nghèo của Chúa vào thời Đức Giê-su. Họ nhất mực tin tưởng và hết lòng trông đợi Đấng Mê-si-a mà Chúa đã hứa.
Cầu nguyện
Giờ đây, hiệp với những người nghèo của Chúa, những người hằng tin tưởng và trông mong Đấng Thiên Sai, chúng ta cùng cầu nguyện qua tâm tình của tác giả thánh vịnh 72 :
Tâu Thượng Đế,
xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Núi đem lại cảnh hòa bình trăm họ,
đồi rước về nền công lý vạn dân.
Người sẽ bảo toàn quyền lợi dân cùng khổ,
ra tay cứu độ kẻ khó nghèo,
đập tan lũ cường hào ác bá.
Mong Người xuống tựa mưa sa nội cỏ,
ơn vũ lộ thấm nhuần cả đất đai.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị
tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.
Mong cho xứ sở đầy dư gạo thóc,
đỉnh non cao sóng lúa rì rào,
trổ bông vàng đẹp tựa núi Li-băng,
thâu lượm được nhiều như cỏ dại.
Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian,
nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
Muôn muôn đời
xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa
chiếu tỏa khắp hoàn cầu ! A-men. A-men.
bài liên quan mới nhất
- Bài 103: Tiệc cưới Ca-na - Đôi điều thắc mắc | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa
-
Bài 102: Sao Đức Giê-Su Lại Chịu Phép Rửa?| Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 101: Ba Vua, các Đạo Sĩ hay các Nhà Chiêm Tinh? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 100: Lễ Thánh Gia - Những cuộc hành hương theo luật Do Thái | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 96: Cánh Chung luận theo Tin Mừng Luca | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 95: Ông là Vua sao? | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 94: Các chứng nhân tử đạo | Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 93: Hình ảnh "bà góa" trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa
bài liên quan đọc nhiều
- Bài 13: Chúa Thánh Thần qua các tước hiệu trong Kinh Thánh
-
Bài 32: Giờ thứ ba, giờ thứ sáu,... Giờ thứ mười một thời khắc trong Kinh Thánh -
Bài 14: Chúa Giêsu được ĐƯA LÊN trời -
Bài 12: Cái Biết Theo Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 42: Tỉnh thức hay Canh thức theo Kinh Thánh -
Bài 10: Sự kiện “hiện ra” trong trình thuật Kinh Thánh I Dưới ánh sáng Lời Chúa -
Bài 62: Chứng từ Đức Kitô Phục Sinh / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 20: Kiểu nói “Yêu, Ghét” trong Kinh Thánh -
Bài 64: Thiên Sai Luận Mục Tử / Dưới Ánh Sáng Lời Chúa -
Bài 66: Ở Lại Trong Tình Thương Của Thầy/ Dưới Ánh Sáng Lời Chúa